BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

 Môi trường giáo dục là nền tảng để con người hoàn thiện nhân cách và phát triển tri thức của mình. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay môi trường giáo dục ấy vẫn đang tồn tại và bộc lộ rất nhiều vấn đề bức xúc, bị xã hội lên án và cần được xóa bỏ

Một trong những vấn  đề đặc biệt cần quan tâm đó chính là: tình trạng bạo lực học đường  Nó như là một con “ác quỷ” vô hình đang len lỏi vào thế giới học đường, thách thức những “thiên thần áo trắng” và ngày càng gia tăng. Nó không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học sinh với nhau mà chúng đang biến tướng muôn hình vạn trạng,  gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác. 

Là  học sinh, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải luôn thể hiện là người có trách nhiệm, muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường không  xuất  hiện trong chính ngôi trường của mình.

Vậy, bạo lực học đường là gì? Chúng ta hiểu đó là những hành vi thô bạo, ngang ngược bất chấp đạo đức và pháp luật, xúc phạm người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra nơi trường học.


          Trong nhiều vụ bạo lực học đường đã diễn ra, khi được hỏi tại sao lại đánh bạn, thì ta thường nhận được câu trả lời chỉ đơn giản là “mình thích thì  đánh“tại nó nhìn đểu mình” hoặc “tại nó sĩ”  đánh; “khiêu khích”  đánh; “tại nó dám cười với bạn gái mình” đánh; “lên mạng (chat) nói xấu bạn, gây gổ, chửi nhau, chọc tức nhau”  đánh;  hay: vì  nó mách với thầy cô, cha mẹ…đánh”... Chỉ vì những lý do “nhỏ xíu, lãng xẹt”  để “ ra oai, dằn mặt” vậy thôi mà có thể đánh bạn mình nhẹ thì thâm tím, nặng thì chảy máu, có khi mang thương tích đầy người...

Hiện nay, một thực tế đáng báo động hơn là học sinh trong trường thuê thanh niên ngoài trường vô đánh bạn mình, đồng thời có một bộ phận HS “ném đá giấu tay”  thừa lúc đánh nhau, cũng tham gia đánh hội đồng. Lại có những kẻ vô cảm đến mức thấy bạn bè mình lao vào đánh nhau không can ngăn, mà vẫn điềm nhiên vừa cười, vừa cỗ vũ, chụp hình, quay video đủ mọi góc độ. Sau đó, những trường hợp này  vui vẻ tung lên facebook, youtube... để thu hút comment, càng nhiều càng tốt.

Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến  nạn bạo lực học đường hiện nay?

 Trước hết là do sự cô đơn bế tắc của giới trẻ: Đó là tâm lý của nhiều em nhỏ cô đơn trong chính tổ ấm của mình. Nỗi cô đơn mà các em không được chia sẻ, không được động viên. Các em xa lạ với chính ngôi nhà và gia đình của mình.

+ Thứ hai là do thiếu sự quan tâm và chăm sóc của gia đình: Nhiều gia đình bất hòa, cha mẹ ly hôn,  hoặc gia đình buôn gian, bán lận, không là tấm gương tốt cho con cái. Tình trạng bạo lực gia đình xảy ra, hằng ngày các bạn và các em nhỏ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em đánh nhau...dẫn đến việc bạo lực với bạn cũng chỉ là chuyện đơn giản. Nhiều phụ huynh quá độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng… khiến đứa trẻ lớn lên trong sợ hãi và trầm cảm; nhiều bậc cha mẹ suốt ngày chỉ lo kiếm tiền, bỏ mặc con cái, không bao giờ là người bạn, người thầy, nhà tư vấn của con cái. Ngược lại có một số gia đình nuông chiều khiến con cái họ biến thành “ông trời con”. Gia đình là chiếc nôi ươm mầm nhân cách tuổi mới lớn. Gia đình như thế, đứa trẻ lớn lên làm sao mà tốt  được.

+ Do điều kiện môi trường sống: Game, phim ảnh bạo lực; một bộ phận giới trẻ đạo đức suy đồi. Chương trình học tập nặng nề, áp lực về thành tích học

 

 

tập của cha mẹ hiện nay cũng đang là mối quan tâm cần giải quyết, các bậc phụ huynh quá kỳ vọng vào con mình, ép các em học, học và học… Các em hầu như không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm, nhằm rèn luyện kỹ năng, trau dồi nhân cách dần dần đẩy các em vào trầm cảm, tự kỷ xa lánh bạn bè.

+ Một nguyên nhân nữa là sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông: Bên cạnh việc tuyên truyền bằng hình ảnh, video clip trên truyền hình và mạng internet nhằm lên án tình trạng bạo lực học đường...thì có nhiều tác phẩm lại có nội dung dung tục, phản khoa học. Một số học sinh thiếu nhận thức, dễ bị kích động lại bắt chước, học đòi làm theo dẫn đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng và mức độ càng nguy hiểm hơn.

+ Cuối cùng, do tệ nạn xã hội: Hiện nay một số bạn trẻ bị vướng vào tệ nạn hút chích ma túy, làm cho con người rơi vào trạng thái hoang tưởng, không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến đánh bạn và có trường hợp đánh cả thầy cô giáo…

 Ngoài ra còn nhiu nguyên nhân khác gây nên những tác hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho nạn nhân của bạo lực học đường. Chắc chắn, trong mỗi chúng ta, ai cũng thấy được hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực học đường gây ra. Đó là:

+ Đối với người bị bạo lực đó là những tổn thương về tinh thần, những mất mát lớn về tiền bạc, sức khỏe và sinh mạng. Có những bạn khi bị sốc về tinh thần quá nặng đã ngày càng tự ti về bản thân, xa lánh bạn bè và tìm đến cái chết.

+ Đối với những người gây ra bạo lực: họ bị bạn bè, người thân và xã hội lên án, bị nhà trường kỷ luật, nặng hơn nữa là bị đuổi học và vướng vào vòng tù tội… Họ là nỗi đau của các bậc cha mẹ, thầy cô, là gánh nặng cho gia đình, nhà trường và xã hội. 

 

            Vậy chúng ta cần làm gì trước thực trạng bạo lực này? Hãy cùng tham khảo một số giải pháp sau:

    - Đối với gia đình: hiểu và nắm bắt những thay đổi trong tư duy nhận thức của trẻ. Các bậc phụ huynh phải chú trọng đến vấn đề nêu gương, tạo bầu không khí tâm lý thân thiện, tạo điều kiện để tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ tình cảm cho nhau. Đăc biệt  theo dõi bám sát những dấu hiệu bất thường của con em mình, tránh gây áp lực trong thành tích học tập của con em. Cha mẹ đồng thời cũng là thầy cô và bạn bè để các bạn tự nhiên chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình từ đó cha mẹ mới nắm bắt tình hình học tập cũng như sinh hoạt tại trường lớp, để thuận lợi hơn trong việc phối hợp với nhà trường ngăn chặn và đẩy lùi vấn đề bạo lực học đường ra khỏi trường học.

- Đối với nhà trường: Bên cạnh nhiệm vụ truyền thụ tri thức, mỗi người thầy cần phải quan tâm, hiểu được các mong muốn của học sinh, cần thường xuyên dẫn dắt, định hướng cho các em trong các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, Nhà trường cần tạo nhiều sân chơi mang tính cộng đồng, tăng cường giáo dục về đạo đức phẩm chất cho học sinh theo đúng tinh thần “Tiên học lễ, hậu học văn”.

- Đối với các cấp lãnh đạo: cần có biện pháp chế tài nghiêm khắc với các dịch vụ chơi bạo lực trực tuyến dành cho trẻ em,  xây dựng  thêm các khu vui chơi giải trí, thể thao.

Những suy nghĩ sai lệch có lẽ là nguyên nhân chính làm cho các bạn có những hành động ngông cuồng. Các bạn nên nhớ “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Chúng mình cũng là những kẻ mạnh đấy chứ, được đi học, có đầy đủ điều kiện để đến trường…

 Mà kẻ mạnh thì sao lại hành động tàn bạo, ác ý quá vậy? Làm vậy các bạn sẽ không được tiếng thơm là “quân tử”, ngược lại bạn sẽ bị người đời gọi cho là kẻ “tiểu nhân” hèn hạ, giẫm đạp lên người khác. 

-   Vậy thì sao chúng ta không  học cách trao yêu thương để nhận lại thương yêu? Hãy học tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”. biết xây dựng tình đoàn kết trong ngôi trường chúng ta đang học, kính thầy, yêu bạn, luôn vui vẻ hòa nhã với bạn bè…cùng nhau xây dựng ngôi trường, lớp học là ngôi nhà thứ hai của mình. Hãy làm thế nào để có thể dõng dạc rằng “Trường tôi không phải là trường giàu về cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi tự hào vì giàu lòng nhân ái”. Được như vậy thì “bạo lực học đường” không còn là nỗi lo cho mỗi chúng ta.

Đã đến lúc  chúng ta hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức, hãy trau dồi, hãy học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, vị tha . Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với những điều chưa tốt để làm cho nó tốt hơn. Bạn cần biết: “nói dối là ăn cắp niềm tin; quay cóp là ăn cắp trí tuệ; bắt nạt là ăn cắp sự bình đẳng; thỏa hiệp với cái xấu là ăn cắp sự minh bạch, tự trọng”. Hãy nhận thức đúng ngay từ trong suy nghĩ và hãy quyết tâm loại bỏ cái xấu ra khỏi môi trường học đường.  Đơn giản vì: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.Cũng như cố  nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“ Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau”

Vâng! Cuộc sống này thật tuyệt vời và ai cũng chỉ có một lần sống. Vì vậy hãy trân trọng những gì mình có và xây dựng cuộc sống đầy tình thương yêu chứ  không phải thù hằn khinh miệt. Và  hãy vì “ Trường THCS và THPT Hoàng Hoa Thám quyết tâm không có bạo lực học đường”. Đó cũng chính là thông điệp mà tập thể lớp 11A3 muốn gửi gắm tới tất các các bạn học sinh với chủ đề phòng chống bạo lực học đường.

Bạo lực học đường nỗi đau còn đó

Xua tan đi cho hết khổ bao người

Để từng ngày thầy bạn bên tôi

Luôn ấm áp niềm tin cuộc sống

Mái trường là tình yêu nồng ấm

Em mang theo suốt cả cuộc đời

Cho từng ngày tình bạn bên em

Luôn sáng mãi nơi học đường rực sáng!

 Nguyễn Thanh Sơn 11A3

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 539
Hôm qua : 628
Tháng 04 : 20.500
Năm 2024 : 82.724