Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường THCS&THPT Hoàng Hoa Thám mến yêu

Tôi lắng nghe giữa đất trời Hưng Yên

Phố thu buồn,

Da diết

Nhớ yêu thương?

Nắng trong trẻo dịu dàng, không gợn chút khói. Và mây mù nữa, mưa liên miên chảy ròng ròng suốt một buổi chiều và cả những hôm sau. Nhưng tôi vẫn còn cảm giác thiếu vắng trên con đường quen thuộc. Chỉ vậy thôi, với tôi chưa đủ.

Tôi thèm được thấy người...

Ngủ trưa dậy rồi mà chiêm bao vẫn chưa dứt. Tôi ngồi trước hiên nhà. Tiếng gió bắt đầu thổi hắt cơn lành lạnh, tiếng lá khô heo hút một chiều gần cuối năm. Nhanh quá! Thời gian tưởng như thước đo biển đời sâu rộng, ấy vậy mà tôi đã là học sinh năm cuối, còn bao lâu được ngồi trên ghế nhà trường nữa. Kể cũng sầu mà thương,  những kí ức tuổi học sinh thuở mới bắt đầu đã cái nhớ cái quên, để giờ phải lắng lòng nhìn lại những mẩu vụn kí ức, những tàn dư cảm xúc từ những khung màu ố vệt thời gian.

Tôi mơ hồ một nỗi buồn vời vợi...

Kể từ đầu năm học mới, theo chỉ thị giãn cách xã hội, tôi vẫn chưa được đến trường. Xa bạn bè và thầy cô, tôi thèm nghe tiếng trống tan trường giòn tan, thèm nghe mùi hoa sữa thơm lừng nỗi nhớ, ấm áp những tia nắng mỏng manh len lỏi qua những tán lá bên con đường quen thuộc tôi vẫn hay đi. Thèm ghê lắm!

Chúng ta luôn thấy những gì đã lỡ là đẹp đẽ, coi những thứ không có được như báu vật và thường ít khi để ý đến những gì vốn có. Còn nhớ ngày xuân năm ấy, hội xuân cùng lớp có lẽ là kí ức in đậm sâu trong trái tim và tâm trí của tôi.

Mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm, cũng là sự khởi đầu cho một năm mới với bao hứa hẹn về một kế hoạch mới, tương lai tốt đẹp đang chờ đợi phía trước. Nên nghĩ về mùa xuân, ai cũng tràn đầy năng lượng tươi mới, đầy sức sống. Đầu năm 2021, lần đầu tiên tôi đón hội xuân vui như thế.

 

Thày Hiu trưởng Trần An Khải đánh trống bắt đầu năm học mới

Còn nhớ, chúng tôi chia nhau tập dượt múa lân và văn nghệ chào mừng. Những trưa tan học nắng nhè nhẹ, mây trắng lãng đãng phiêu diêu cùng gió, tiếng cười khúc khích rộn vang một góc sân trường. Tập dượt nhiều lần, bạn này chỉ bạn kia sao cho đều, bạn này góp ý sao cho đẹp... Chúng tôi đem năng lượng vui tươi, tràn đầy sức trẻ tới mọi người. Giai điệu khúc hát xuân đến giờ vẫn vang mãi trong tôi:

“Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng, khắp chốn tiếng reo vang. Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang”

Còn mấy lần như thế? Còn mấy mùa xuân thời học sinh? Còn mấy mùa xuân cùng anh em bạn bè hẹn văn nghệ, bận quần áo xúng xính nhảy múa hát ca?

Gần ngày hội, lớp chia nhau mua sắm. Cô giáo dặn chúng tôi đủ những thứ cần mua, nào là lá dong gói bánh, gạo nếp, đỗ xanh, nào là ngũ quả mua như nào cho đúng, hoa quả chọn loại như mào cho vừa đẹp mà ngon... Mấy đứa chúng tôi hẹn nhau vào sáng sớm, đi chợ như “người lớn”, bí thư cũng đòi theo mặc cả giống bác mua hàng kế bên, bạn tổ trưởng chọn chọn lựa lựa kĩ càng như người dày dặn kinh nghiệm. Cũng buồn cười! Mấy đứa ở nhà chỉ xem mẹ bày mâm quả chứ đã làm bao giờ, hôm nay phải tự tay đi sắm, đi làm mới thấy ra hương vị ngày Tết. Lệ khệ, lách cách xách túi này túi kia, dò hỏi xem còn thiếu thứ gì. Chợ Tết gì cũng có, nào đôi vợ chồng bác Bảy bán trái cây tươi rói; nào cô Hương bán hoa mai, hoa đào; nào thím Diệu bán lá dong gói bánh; nào vợ chồng nhà chú Vỹ bán thịt heo, giò lụa; và bà cụ Tứ ở cái tuổi thập cổ lai hy mà vẫn mưu sinh bán đôi ba cơi trầu. Hoà mình vào không khí ấm áp, bừng sáng, rộn ràng phiên chợ Tết, bồi hồi, tôi chợt nhớ tiếng ai ngâm:

“Xuân nhẹ theo sương lan trên cỏ

 Tơ giăng trời lạnh mùa hoa đào...

 Những đoá mới nở chào gốc cũ

 Ta ngồi đây hồn ở phương nào?”

            ...........

Ngày hội, gió lạnh khe khẽ, cái rét ngọt như cắt, chích những mũi kim tê tái qua da, khiến  cơn rùng mình run rẩy lan khắp người qua từng đợt gió ù thổi. Sân trường hôm ấy vui đến lạ kì, nhạc xuân làm lòng thêm rộn rã, ai cũng hối hả tươi cười, nhanh nhẹn sắp xếp gian hàng và chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc thi. Một vài bạn mời khách, bán hàng; một vài bạn quét dọn, bày bàn ghế; đội văn nghệ chuẩn bị trình diễn; các bạn nam dựng cổng trại và đảm việc bếp núc, nào nướng ngô, nào nướng khoai. Ôi mùi thơm của ngô, của khoai, của thức quà dân dã phả vào lòng người nhiều dư vị lâng lâng, khó tả.

Chắc cho đến khi cuộc thi gói bánh chưng, tôi mới được xem cô giáo mình gói bánh. Bàn tay cô thoăn thoắt như “người trong nghề”, khéo léo gói lá dong, buộc lạt. Dân gian vẫn có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và bánh chưng là giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là phong tục truyền thống của dân tộc mà nó còn giúp người với người gần lại nhau hơn. Gói bánh chưng cần phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, người gói trò chuyện với nhau, giá trị tinh thần còn nằm tại chỗ ấy. Mấy khi có dịp cười như ngộ. Bạn bè cùng nhau nắm tay hát khúc ca mừng xuân, vui mừng quá đỗi những giải thưởng lớp đem về, sung sướng hò reo, say mê, sảng khoái. Ôi cái kỉ niệm sao yêu sao nhớ đến thế!

 

Qua kí ức long lanh, không ngắn không dài, vừa đủ để nhớ rằng, cô trò chúng ta đã từng có một khoảng thơ ngây, mơ mộng, chìm đắm vào yêu thương ngày đó. Mọi rào cản ngại ngùng đều được gỡ bỏ, tôi cảm nhận như chúng tôi là một gia đình. Trường học là nhà, lớp học là gia đình, cô là mẹ, bạn bè là anh em!

Nhẹ nhàng thả rong đôi mắt, khép hàng mi rợp bóng, hứng trọn những gì còn sót lại, đóng khung khoảnh khắc còn vương vấn như giấc mơ qua. Hoàng hôn không buông nhưng chiều thì vẫn tím, nỗi nhớ đầy vơi theo tháng ngày, gió sắt se xiên ngang vạt áo đùa cợt với vai buồn.

 Kỉ niệm chưa phai đi nhưng thời gian chẳng còn nữa. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, hẹn ngày hội ngộ chắc hẳn là quá xa. Trách dịch bệnh xuất hiện, tôi sắp xa mái trường thân yêu, cớ sao cứ hoài chia cách?

Tôi đang sống giữa thanh xuân của đời mình. Cái tuổi mà người ta thường nói còn rất nhiều nông nổi, dại khờ. Nhưng lại là tuổi mà ta có thể yêu và cháy hết mình cho tình yêu, khát vọng. Lứa tuổi này, người ta bắt đầu nhặt nhạnh từng chút khao khát để xây đắp lên những ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Là khi tất cả không chỉ gói gọn trong những trang nhật kí ghi lại quãng thời gian đẹp nhất mà ta từng trải qua để rồi mỗi khi hoài niệm về những kỷ niệm xa xôi của tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống, ta thấy bồi hồi, xao xuyến. Là những lời động viên nhau: “Cố lên! Bạn ơi!” mỗi lần gặp khó khăn, hay là những điều đặc biệt hơn thế mà chẳng gọi được thành tên.

Trường THCS&THPT Hoàng Hoa Thám tôi là nắng, là gió, là mưa của những ngày tháng 7 mùa hạ. Là mùi thơm hoa sữa “chạy” khắp sân trường mỗi dịp chớm Thu. Là màu xanh, vàng rồi đỏ, là màu tím huyền thoại của bằng lăng. Và cả một vùng trời yêu thương rộng lớn...

Thời gian tôi bên bạn bè, thầy cô đang giật lùi về thời điểm ra trường. Vì vậy tôi không muốn lãng phí bất cứ một ngày nào cả. Thường thì người ta mất đi thứ gì đó, họ mới biết trân trọng, còn tôi thì mặc dù chưa mất, nhưng đã sợ sự thật là phải mất đi...

 

Cái thời áo trắng vô tư hồn nhiên và trẻ dại này, tôi và các bạn đã từng khát khao ôm trọn cả thế giới. Hơi thở của tuổi thanh xuân vẫn phảng phất nơi chúng ta cùng nhau nắm chặt tay hôm đó. Và tiếng cười của chúng mình vẫn vang vọng trong khoảng không gian đầy nhớ thương ấy. Sau này, nếu có quay trở lại, tôi nhất định sẽ cùng các cậu, sống hết mình cho tuổi trẻ ấy một lần nữa!

Còn giờ, thôi thì thầy trò tiếp tục kì nghỉ của mình - một kì nghỉ dài chưa dự đoán được ngày kết thúc. Thu năm nay không còn mùa tựu trường, mùa của ngày tụ họp, nô nức. Thu buồn hơn trong tiếng thở dài của đất mẹ, vương trên đôi mắt buồn của trẻ thơ và nỗi nhớ thương không nguôi trong tâm hồn những đứa trẻ.

Trong nỗi lo dịch bệnh lan tràn, trong âm hưởng buồn của giọt ngâu rơi, tôi vẫn tìm thấy sự tươi sáng của sắc màu, của chùm quả chín trĩu trịt trên cây. Sự tươi sáng ấy đánh thức trong tôi niềm hi vọng về một ngày gần đây dịch bệnh đẩy lùi. Lúc đó mùa thu sẽ thực sự về với buổi tựu trường tươi vui trong ánh mắt hân hoan, nụ cười toả nắng của thầy, của bạn. Cứ mỗi lần nghĩ tới cảnh tượng ấy, lòng tôi lại miên man niềm vui khó tả.

Tối nay, trời thu dịu mát, chút se lạnh thoáng qua. Trong giấc ngủ ngon, tôi đã mơ về ngày tựu trường tưng bừng rộn rã...

Hưng Yên, một ngày cuối thu!

 

Người viết: Nguyễn Thị Xuân Mai - Lớp: 12A2 NH 2021-2022

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 118
Hôm qua : 454
Tháng 05 : 9.841
Năm 2024 : 92.691