Xúc động và tự hào chào mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022)
Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la, cây xanh tươi ra lá trổ hoa, chào mùa xuân về với mọi nhà…
Mỗi lần những giai điệu và lời bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng vang lên, trong lòng tôi cũng như mọi người dân Việt Nam đều bồi hồi xúc động, vui sướng và tự hào. Ai cũng như được chìm đắm trong cảm giác ngày hội của đất nước, ngày dân tộc ta chính thức giành được độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối, một kỷ nguyên mới thực sự bắt đầu.
Ngược dòng lịch sử, Việt Nam trong thế kỉ XX đã lần lượt đối đầu với nhiều tên đế quốc, phát sít xừng sỏ, đặc biệt ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến lớn chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, cả dân tộc Việt Nam vô cùng sung sướng, phấn khởi, mong chờ sẽ được giải phóng toàn bộ đất nước. Nhưng do sự nhúng tay phá hoại của nhiều thế lực, chúng ta chỉ được giải phóng từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, còn từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, tiếp tục là vùng tập kết, ảnh hưởng của quân viễn chinh Pháp, sau này được thay bởi quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Một đất nước nhỏ bé, đã phải trải qua bao đau thương mất mát lại phải tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập ngày 30/4/1975
Hơn hai mươi năm, từ 1954 đến 1975 là cả một khoảng thời gian dài với quá nhiều máu và nước mắt, nhiều kỉ niệm và những phút thăng trầm đối với dân tộc ta. Nhân dân Miền Nam được sự giúp đỡ của hậu phương miền Bắc, tình đoàn kết của hai nước Lào, Camphuchia, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Từ Chiến tranh đơn phương của tổng thống Mỹ Aishenhao(1954-1960), Chiến tranh đặc biệt thời tổng thống Mỹ Kennedy – Johnson(1961-1965), Chiến tranh cục bộ của Lyndon Johnson(1965-1968) đến Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973), tất cả đều bị chúng ta đánh bại. Thế hệ hôm nay và cả mãi sau này sẽ không bao giờ quên những trận chiến đã đi vào lịch sử, là những trang chói lọi nhất của thế kỉ XX, như chiến thắng Ấp Bắc 1963, chiến dịch Vạn Tường- Núi Thành 1965, Mậu Thân 1968 hay “Điện Biên Phủ trên không”… Đặc biệt, trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng Sài Gòn luôn là một dấu ấn không bao giờ phai nhòa.
Sau thành công của chiến dịch Phước Long(12/1974- 1/1975), ta quyết định đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, trong đó nhấn mạnh năm 1975 là thời cơ, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên, trận đột phá chiến lược tại thị xã Buôn Ma Thuật và những sự kiện sau đó đã giúp Tây Nguyên giải phóng hoàn toàn. Vùng đất Tây Nguyên với hơn 60 vạn dân sạch bóng quân thù, quân lực Việt Nam cộng hòa rệu rã phải rút chạy về Huế- Đà Nẵng, ta quyết định chuyển từ tấn công chiến lược chuyển sang tổng tấn công trên toàn miền Nam.
Ngay từ giữa tháng 3/1975, ta tấn công một số nơi ở vùng Trị Thiên và liên khu V. Từ 21/3, ta bắt đầu chiến dịch Huế- Đà Nẵng và nhanh chóng giành thắng lợi.
26/3, Huế giải phóng.
29/3, Đà Nẵng được giải phóng. Bộ chính trị đề ra chủ trương quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa 1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được đổi tên thành chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, ngồi ngoài cùng bên trái, và bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh
Có thể nói những ngày tháng 4/1975 là những ngày tháng lịch sử oanh liệt và hào hùng nhất, không chỉ nhân dân Việt Nam, các quốc gia lân cận mà có lẽ cả thế giới cũng đều nín thở dõi theo từng phút giây chiến sự. Cuộc tổng tiến công này toàn thắng sẽ góp phần làm cho chủ nghĩa thực dân trên thế giới tan rã hoàn toàn, một nhà nước XHXN có thể sẽ ra đời, bức tượng thần chiến thắng bất tử của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể sẽ sụp đổ trong lòng nhân loại. Trong khi các tên đế quốc, tay sai đang lo ngại, sợ hãi cho ngày tàn của chúng thì ở đây, trên đất nước Việt Nam, chúng ta đang dồn toàn bộ tinh thần và lực lượng, sức mạnh và của cải để tiêu diệt bè lũ ngoại xâm, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối.
26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân ta vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, anh dũng tấn công những vị trí quan trọng ở trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của ta húc đổ cổng dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn. Dương Văn Minh vừa lên giữ chức tổng thống ngụy quyền Sài Gòn đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Bùi Quang Thận- chiến sĩ cắm cờ trên nóc dinh Độc lập ngày 30/4/1975
Có lẽ không thước phim nào có thể quay hết niềm hân hoan của người dân miền Nam trong ngày toàn thắng, không bức ảnh nào có thể diễn tả hết sự xúc động bồi hồi của người dân thành phố mang tên Bác trong ngày giải phóng quê hương, và cũng không có bài hát nào có thể ngợi ca hết những chiến công, niềm tự hào của các chiến sĩ, người dân miền Nam trong ngày đoàn tụ. Có trải qua chiến tranh, ở một đất nước đã từng chia ly mới hiểu được niềm vui sướng tột cùng ấy, cũng như những đau thương mất mát mà nhiều thế hệ đã hi sinh. Sau gần một nửa thế kỉ, khoảnh khắc về ngày thống nhất mãi mãi là những hình ảnh đẹp nhất trên đời.
Miền Nam ngày giải phóng
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, của cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 nói riêng là kết quả của một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ. Đó là thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam, của văn hóa dân tộc, là sự kết hợp của nghệ thuật quân sự độc đáo với tình yêu nước, ý chí đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta càng tự hào và biết ơn những chiến sĩ, những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước hôm nay, đó cũng là động lực, là tinh thần bất diệt để nhân dân Việt Nam, thế hệ trẻ cùng nhau cống hiến, tạo ra sức mạnh cho đất nước vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Nguyễn Thị Thanh Bình
Tổ Sử- Địa- Ngoại ngữ