CÁCH BÌNH VĂN TRONG ĐỀ VĂN MỞ BÀI THI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA

Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”( Nam Cao). Quả thật, văn chương là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi cao sự sáng tạo, là vương quốc của sự độc đáo. Do đó, yêu cầu người sáng tạo văn chương và người thưởng thức văn chương phải mài sắc khả năng tìm tòi, sáng tạo khi cầm bút. Để mài sắc ngòi bút thì người viết văn phải sử dụng thành thạo thao tác lập luận bình luận, bởi lẽ khi bình luận là lúc người viết phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, để làm mới mình và làm mới cho văn chương, để sinh hạ ra những áng văn lay thức lương tri, thức tỉnh tâm hồn người đọc.

Trong xu hướng ra đề thi theo hướng mở hiện nay của Bộ Giáo dục và đào tạo thì khả năng thẩm bình và suy ngẫm đã và đang đặt ra bức thiết cho người cầm bút khi viết văn bởi lẽ hầu khắp các câu hỏi trong bài thi đều liên quan tới nó. Theo quan điểm của tôi, để đáp ứng một bài thi THPT Quốc gia học trò không chỉ có kiến thức uyên thâm mà còn cần được thầy truyền cho phương pháp mở một đề thi mở. Chính bởi lẽ đó hơn 10 năm cầm phấn đứng trên bục giảng tôi đã đúc kết được những cách bình để mở một đề văn theo hướng mở hiện nay. Nay tôi mang ra chia sẻ với đồng nghiệp.

Thứ nhất, đó là cách bình bày tỏ trực tiếp quan điểm của bản thân:

Cách bình này yêu cầu người viết trực tiếp bày tỏ quan điểm của lòng mình và phải có lí lẽ để thuyết phục người đọc, người nghe cùng tin theo.

Để làm được thành công  người viết cần nắm chắc các thao tác giải thích, phân tích, bình luận…

Yêu cầu lí lẽ phải sắc bén, giọng điệu linh hoạt, có khi sử dụng phối hợp nhiều phương thức biểu đạt khác nữa như: miêu tả, biểu cảm…để hỗ trợ cho mục đích bình luận.

Ví dụ khi bình về vai trò của tình thương ở đề văn:

“ Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”

          Anh/ Chị hãy viết đoạn văn nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ của mình về câu nói trên.

Vận dụng cách bình này tôi đã hướng dẫn học trò bày tỏ quan điểm về vấn đề như sau:

Bắc Cực là một vùng đất ở cực Bắc của trái đất, nơi đây khí hậu khắc nghiệt, quanh năm băng giá, mọi sinh vật khó mà có thể tồn tại và phát triển. Có lẽ trên hành tinh của chúng ta, nó là nơi lạnh nhất. Tuy nhiên, sự lạnh lẽo nơi Bắc Cực chưa thể sánh được với sự băng giá trong tâm hồn một con người, đó là con người không có tình thương. Chính bởi lẽ đó, câu nói trên đầy ý nghĩa, nó đúng đắn ở mọi thời đại. Đặc biệt trong thời đại mới: Nhân loại vừa bước vào kỉ nguyên XXI- kỉ nguyên của khoa học công nghệ và sự phát triển như vũ bão của kinh tế thị trường thì câu nói trên vẫn còn tươi nguyên giá trị. Vậy tại sao “ Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”? Bởi lẽ, cái lạnh ở Bắc Cực là cái lạnh về thời tiết còn cái lạnh không có tình thương là cái lạnh trong tâm hồn. Đó là khi con người sống lạnh nhạt, đối xử không tốt với nhau. Tình thương, đó là thứ tình cảm mộc mạc mà chân thành, đằm sâu trong trái tim con người. Tình yêu thương là một phẩm chất thẩm mĩ tuyệt đẹp, nó luôn hướng con người tới đỉnh cao của Chân - Thiện - Mĩ và nó cũng là điểm khởi nguồn cho những tình cảm thiêng liêng khác. Sự lạnh lẽo đáng sợ nhất không phải là cảm giác khi nhiệt độ thời tiết hạ xuống thấp mà là cảm giác của một con người khi không tìm được mối liên hệ giữa mình và những người xung quanh, là khi con người gặp hoạn nạn mà không tìm thấy bàn tay giúp đỡ, khi mà con người không biết quan tâm, không biết rung động mà chỉ mải mê bon chen, chuộc lợi cho bản thân. Đó là khi con người rơi vào tình trạng khủng hoảng nhất, thiếu thốn nhất dù họ vẫn đang sống giữa giàu sang và địa vị. Lối sống bon chen, nhịp sống vội vàng ngày nay đã phản ánh chân thực mặt trái của xã hội hiện đại và sự phát triển của đất nước. Một bộ phận người sống với thói ích  kỉ cá nhân và sự tranh giành, lòng đố kị, sống thờ ơ, vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ trước niềm vui và nỗi buồn của người khác. Chính họ đã để cho tâm hồn mình tàn lụi ngay khi còn sống. Đó là lí do tại sao sự lạnh giá của băng tuyết không thể khắc nghiệt bằng sự lạnh lẽo nơi tâm hồn con người.

           Thứ hai, đó là cách bình dẫn danh ngôn, dẫn thơ, dẫn những tấm gương người thật việc thật để bình:

Để thực hiện được cách bình này yêu cầu người cầm bút phải rất am hiểu, thậm chí phải hiểu sâu sắc, thấu đáo cuộc sống, cập nhật các vấn đề thời sự nóng hổi, kho tàng danh ngôn, ca dao, tục ngữ cũng như thơ ca. Không chỉ dừng lại ở hiểu mà người viết cần biết vận dụng sáng tạo tư tưởng tuyệt đẹp của chúng vào những bài văn nghị luận xã hội (NLXH) cụ thể để lí giải những vấn đề đạo lí hoặc hiện tượng đời sống. Cách bình này sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ cho bài văn, chính nó sẽ thổi hồn cho những áng văn NLXH vốn khô khan xúc cảm, giúp người viết cuốn theo tư tưởng của bài.

          Trở lại với đề văn trên, tôi đã hướng dẫn học trò như sau:

         Tình thương đã làm thức tỉnh Chí Phèo sau những cơn say triền miên, kéo hắn ra khỏi cuộc sống của một con quỉ dữ để bảo toàn phẩm chất lương thiện, tình thương nâng đỡ sự sống cho Giôn - xi bởi sự hi sinh cao đẹp của cụ Bơ - men. Đi dọc dải đất hình chữ S thân yêu này ta còn bắt gặp vô vàn những tấm gương cao quí trong lẽ sống tình thương của dân tộc: Đó là những thầy cô giáo tận tụy đèn sách mang ánh sáng tri thức đến cho học sinh, làm tròn thiên chức chở đò, cảm hóa học sinh bằng trái tim yêu nghề mến trẻ. Lớn hơn là những nhà bảo trợ xã hội, bàn tay ấm áp của họ đã dựng xây bao “Mái ấm tình thương” nuôi dậy những em nhỏ có hoàn cảnh éo le, chắp cánh ước mơ cho các em vươn lên hoàn thiện nhân cách, và “Mái ấm tình thương” đã xóa đi nhức nhối của hình ảnh trên đường phố trẻ em cơ nhỡ, lang thang bán vé số, lau giầy... Họ là tấm gương sáng soi vào nơi u tối lạnh lẽo của tâm hồn không có tình thương để nâng cao nhân cách, thấy rõ giá trị đích thực của tình thương.

Thứ ba, đó là cách bình dẫn thành ngữ, tục ngữ, hay sử dụng sáng tạo thành ngữ, tục ngữ để bình.

          Dân tộc Việt Nam với một kho tàng tục ngữ, thành ngữ  rất phong phú. Đó là những đúc rút kinh nghiệm từ những trải nghiệm trong cuộc đời của ông cha nhằm giáo dục thế hệ sau. Việc sử dụng sáng tạo vốn văn học dân gian này sẽ tạo thêm vốn kinh nghiệm quí báu để giáo dục thế hệ trẻ trong cuộc sống đầy bon chen, nghiệt ngã hiện nay. Để sử dụng sáng tạo kho tàng này vào bài văn NLXH yêu cầu người sử dụng cần hiểu về ý nghĩa cũng như giá trị sử dụng của chúng để có thể vận dụng sáng tạo khi viết văn.

Vận dụng cách bình này tôi đã hướng dẫn học trò bình về  đề văn:

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) bàn về nghị lực sống của tuổi trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay.

           Vậy làm thế nào để có thể xây dựng cho mình một nghị lực sống kiên cường, đặc biệt khi đất nước ta đang trong công cuộc CNH- HĐH, đổi mới và hội nhập, giao lưu thế giới. Trong bối cảnh mới đó đặt mỗi con người (đặc biệt là tuổi trẻ) trước rất nhiều những khó khăn, thử thách, có khi là những cạm bẫy. Để có lòng quyết tâm sắt đá con người cần nhận thức được rằng: “chất bụi” mới “thành núi”, “tích tiểu” mới “thành đại”, có “cái nhỏ” mới có được “cái lớn”. Để có nghị lực sống vững chắc chúng ta hãy tôi luyện cho lòng mình sự quyết tâm, kiên định trong những việc nhỏ nhất ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hãy cố gắng chống lại, đấu tranh với sự buồn ngủ, với sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè, với sự ham chơi khi còn ngồi trên bàn học; không nản lòng khi gặp phải một bài toán khó; không buồn bã, chán nản khi mắc phải sai lầm khuyết điểm mà phải biết sửa sai, khắc phục…Gây dựng những thói quen về ý chí nghị lực bước đầu nhỏ bé đó trong một tương lai không xa chúng ta ắt sẽ có được bản lĩnh kiên định để bước qua được những khó khăn, thử thách trong cuộc sống xô bồ. Tương lai vì thế mà rạng ngời trước mắt. Bởi vậy, nhất thiết trong cuộc sống chúng ta cần phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới của cuộc đời, đó là “điều cốt yếu” để chúng ta có thể vượt  lên và chiến thắng chính mình, chinh phục những đỉnh cao trong học tập và những đỉnh cao trong cuộc sống. Hãy chắc chắn bên kia ranh giới là một cuộc sống tươi đẹp, tràn đầy hạnh phúc ngọt ngào mà con người hằng khao khát.

Tựu chung lại, với ba cách bình văn NLXH như trên nếu để ý chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ ba cách này sẽ tạo nên ba phần để góp phần hoàn thiện một đoạn văn nghị luận ngắn:

          Cách bình thứ nhất: dùng để bình phần luận cứ đầu tiên của bài viết: bày tỏ quan điểm, lí giải để bảo vệ quan điểm của riêng mình về vấn đề đặt ra trong đề văn.

          Cách bình thứ hai: dùng để chứng minh tạo sức thuyết phục cho lời bình luận của mình.

Cách bình thứ ba: dùng để làm phần rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Tuy nhiên, cả ba cách bình này ta có thể bình chúng linh hoạt ở bất cứ phần nào trong một bài thi Quốc gia của văn NLXH đều được, nó phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người cầm bút, người viết có sở trường về cách bình nào thì sẽ phát huy cách bình đó trong bài viết của chính mình.

Thay cho lời kết, tôi muốn gửi tới đồng nghiệp một thông điệp: Người thầy tâm huyết là người thầy biết truyền phương pháp. Trên đây chỉ là những ý kiến đóng góp nhỏ bé của cá nhân tôi góp phần mở câu hỏi NLXH trong  đề thi mở trong các kì thi, đặc biệt là kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Mong rằng nó sẽ giúp ích cho thầy cô giáo và học trò trên khắp mọi miền đất nước để học tốt môn Ngữ văn.

 

                                                            NGUYỄN THỊ PHƯƠNG

                                           Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Tiên Lữ, Hưng Yên

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 270
Hôm qua : 614
Tháng 04 : 17.116
Năm 2024 : 79.340