Tết cổ truyền Việt Nam và những Phong tục độc đáo
Đất nước Việt Nam luôn tự hào là mảnh đất nghìn năm văn hiến với những truyền thống văn hóa tín ngưỡng đậm chất phương Đông. Các phong tục của nước ta vô cùng phong phú, trở thành nét đẹp lâu đời hàng ngàn năm và dường như đã trở thành luật lệ ăn sâu vào nếp sống con người, đặc biệt là những phong tục cổ truyền ngày Tết.
Cứ mỗi dịp xuân về, bao trái tim con người lại háo hức đón chờ đón. Tết nguyên đán từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Tết không chỉ là ngày chào mừng năm mới mà còn là dịp để mọi người sum họp. Vì vậy không chỉ Việt Nam mới có ngày Tết mà nó còn được phổ biến rộng rãi ở một số nước thuộc Châu Á. Trong những ngày này, các thành viên trong gia đình dù có đi xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn,.. Đó là những truyền thống tốt đẹp được lưu truyền mãi mãi.
Theo phong tục, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Gói bánh chưng cũng là một phong tục rất hay trong ngày Tết của dân tộc ta. Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ thời vua Hùng và không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt cho tới ngày nay. Các gia đình thường gói bánh chưng từ ngày 27,28,29 Tết, cũng là một món quà biếu ý nghĩa ho họ hàng và bạn bè trong nhịp này. Người miền Bắc thì có bánh chưng còn miền Nam lại có bánh Tét. Hai loại bánh hai hình dạng khác nhau xong chúng lại có cùng loại nguyên liệu như gạo nếp, thịt lợn, đỗ, tiêu... và đều được gói công phu, cẩn thận. Gói xong mọi người sẽ luộc bánh từ 8-10 tiếng, đến lúc bánh chính ta sẽ vớt bánh ra để nơi sạch sẽ và ép bánh. Mỗi gia đình thường chọn những chiếc bánh đẹp nhất để thắp hương tổ tiên và đi lễ tết họ hàng.
Bên cạnh bánh chưng thì mứt, kẹo lạc, hay hoa đào, hoa mai cũng không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên mâm ngũ quả ngày Tết. Mâm ngũ quả không chỉ tạo nên những hình thù đẹp mắt trên ban thờ mà nó còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng đẹp đẽ. Khi mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, những loài hoa, loại quả từ bàn tay chăm sóc của con người, là những tinh hoa mà đất trời và thiên nhiên ban tặng cũng được đưa lên ban thờ tổ tiên.
Vì sao người ta thường gọi là “mâm ngũ quả”? Ngũ có nghĩa là năm, quả là trái cây. “Quả “ cũng tượng trưng cho thành quả lao động của người dân sau bao vất vả được hưởng trái ngọt, quả lành. Năm loại quả còn có ý nghĩa tượng trưng cho năm yếu tố tạo nên vạn vật là kim, mộc, hỏa, thủy, thổ. Ngoài ra “ ngũ quả “ còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn trong nét đẹp văn hóa dân tộc, đó là phúc, quý, thọ, khang, ninh. Mâm ngũ quả thường được bày chính giữa ban thờ ở mâm cao nhất. Tùy vào quan niệm địa phương mà người dân chọn những loại quả khác nhau. Người miền Nam thường chọn cầu, dừa, đủ, xoài, sung với ước muốn bình dị, cầu vừa đủ, sung túc, an khang; thì ở miền Bắc thường chọn chuối, bưởi, quýt, thanh long, cam… với ước muốn êm ấm, đầy đủ. Trước khi trang trí mâm ngũ quả, gia chủ rất chú trọng đến việc lựa chọn từng lại quả. Trái cây phải căng mịn và thường ngắt cùng với cuống tạo nên nét thanh nhã, lịch sự. Mâm ngũ quả là nét đẹp hồn hậu trong văn hóa dân tộc, là yếu tố không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc và trong mỗi gia đình người Việt.
Phong tục lì xì ngày Tết từ rất lâu đã trở thành một tục lệ không thể thiếu vào dịp đầu năm mới, nhất là vào sáng mùng 1 Tết. Tục mừng tuổi không chỉ giới hạn vào mùng 1, mùng 2 hay mùng 3 mà còn có thế kéo dài đến tận mùng 10 Tết. Có lẽ, tất cả mọi người, nhất là trẻ em đều rầt hào hứng mong chờ điều này vào dịp đầu năm mới. Phong bao lì xì thường có màu đỏ tượng trưng cho sự như ý, cát tường trong suốt cả năm. Đó còn được coi là màu của hy vọng và may mắn nữa nên người nhận được phong bao lì xì sẽ luôn tin rằng sẽ được hạnh phúc và tài lộc trong năm.
Một phong tục rất hay, ngày càng phổ biến đặc biệt với những người trẻ là xin chữ đầu năm. Từ xa xưa, thói quen xin chữ những ngày đầu năm mới đã trở thành một thông lệ, một việc quan trọng trong gia đình. Nói đến xin chữ đầu năm, từ trước đến nay người ta đều xin chữ thư pháp bằng từ Hán Việt nhưng theo thời gian có thể thay bằng chữ quốc ngữ. Tùy vào mong muốn của mỗi người sẽ xin mỗi con chữ khác nhau. Như chữ “Lộc” biệu tượng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc, mong muốn một năm phát tài, phát lộc, chữ “Phúc” tượng trưng cho sự hạnh phúc, mau mắn và thể hiện mong muốn có cuộc sống ấm no cho gia đình. Chữ “Tâm” mang một ý nghĩa hơi hướng Phật giáo với mong muốn con người tu dưỡng đạo đức để có một cái tâm thanh tịnh, yên bình. Và còn rất nhiều chữ mang ý nghĩa khác nhau xong đều chung một tâm niệm là cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, bình an và thịnh vượng.
Năm mới là mọi thứ phải mới mẻ, tươi sáng vì vậy trước Tết sẽ có phong tục lau dọn nhà cửa, dù có bận thì mọi người vẫn sẽ dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón một năm mới bình an. Thời điểm tân niên (đầu năm) bao giờ cũng có phong tục đặc biệt là xông đất. Việc chọn người xông đất, người đầu tiên bước vào cửa nhà trong ngày đầu năm mới thường là phải nhanh nhẹn, xởi lởi để năm mới được an yên, vui vẻ. Những lời chúc Tết thường là chúc nhau sức khỏe, tài lộc, bình an và hạnh phúc. Ngày tết ta thường treo những câu đối đỏ trong nhà tượng trưng cho mong ước may mắn, phúc lộc và an khang. Việc duy trì những phong tục cổ truyền ngày Tết của người Việt không chỉ đơn giản theo thói quen, theo cộng đồng mà đó đã trở thành truyền thống văn hóa Việt, là ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa cho muôn đời sau.
Phong tục ngày Tết ở Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú. Theo thời gian và sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những phong tục của người Việt nói chung và phong tục ngày Tết nói riêng đã không ngừng biến đổi theo hoàn cảnh xã hội, có nhiều phong tục đã mất đi nhưng vẫn còn những phong tục đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu và không thể mất đi của người Việt Nam.
Tết nguyên đán của người Việt là một dịp lễ đặc biệt mang nét văn hóa đặc sắc. Mặc dù trải qua thời gian với bao biến động thăng trâm của lịch sử, các phong tục đã ít nhiều bị mai một và pha trộn nhưng đã là người Việt thì dù đi đâu, ở đâu, trái tim vẫn luôn hướng về cội nguồn, hướng về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, và giữ gìn nó, để nó được lưu truyền đến bao thế hệ mai sau.
Sưu tầm và thực hiện: Chi đoàn 11A7