Để môn Giáo dục thể chất không còn là môn học phụ
Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục - Đào tạo sẽ chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 Chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm kế thừa và nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành, trong đó đáng chú ý là môn Giáo dục thể chất lần đầu tiên có sách giáo khoa dành cho học sinh như các môn học khác. Việc môn Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện xuyên suốt trong 12 năm học đã cho thấy tầm quan trọng của bộ môn này trong hệ thống giáo dục.
Những đổi mới trong chương trình giáo dục thể chất
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục thể chất được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phạm hiện đại. Chương trình môn Giáo dục thể chất được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học và hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực vận động ở học sinh.
Chương trình môn Giáo dục thể chất sẽ mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để các trường xây dựng kế hoạch phù hợp với yêu cầu giáo dục, điều kiện thực tế và đặc điểm cụ thể của học sinh địa phương. Cùng đó, môn Giáo dục thể chất trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới đặt ra những mục tiêu chung như: Phát triển các năng lực chăm sóc sức khỏe, vận động cơ bản và thể dục thể thao nhằm phát triển các tố chất thể lực của học sinh; giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần. Học sinh có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động có sức khỏe, văn hóa, cần cù, sáng tạo…
SGK GDTC trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới.
Môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng chia thành hai giai đoạn, gồm: Giáo dục cơ bản nhằm hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện thể thao; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Giai đoạn này học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.
Ngành Giáo dục - Đào tạo cũng tăng cường thời lượng học ở môn Giáo dục thể chất trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới. Theo đó, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng. Lên THCS, môn Giáo dục thể chất giúp học sinh tiếp tục củng cố và phát triển các kỹ năng vận động cơ bản; thói quen tập luyện thể dục thể thao, thực hiện các hoạt động thể chất một cách tự tin; phát triển thể chất; biết tự chăm sóc sức khoẻ…Và ở bậc THPT, nội dung trên không còn mà thay vào đó là các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng; thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học...
Xóa bỏ định kiến là môn phụ
Phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: giáo dục thể chất là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức – trí – thể – mỹ. Mặc dù vậy, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường được xem là môn phụ, nhiều thầy cô dạy giáo dục thể chất cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Nhưng không phải cứ kêu gọi là môn phụ trở thành môn chính, mà bản thân giáo dục thể chất phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê, có như thế giáo dục thể chất mới không còn được coi là môn phụ.
Để làm được những điều này thì việc môn giáo dục thể chất có sách giáo khoa dành cho học sinh là một trong những giải pháp đầu tiên bởi nó thể hiện sự bình đẳng giữa các môn học với nhau trong chương trình. Mặt khác, trong chương trình mới, môn giáo dục thể chất được thiết kế 3 mạch nội dung: Kiến thức chung về giáo dục thể chất (Kiến thức về vệ sinh tập luyện; đảm bảo an toàn trong tập luyện; sử dụng các yếu tố môi trường, tự nhiên trong tập luyện…); Vận động cơ bản gồm các nội dung: Đội hình đội ngũ; bài tập thể dục; các vận động cơ bản đi, chạy, nhảy, ném…; Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường, học sinh được định hướng lựa chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện. Do đó, sách giáo khoa môn GDTC sẽ là tài liệu giúp học sinh tự học để có những kiến thức cơ bản nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình tập luyện. Bên cạnh đó, sách giáo khoa môn GDTC cũng sẽ là tài liệu để phụ huynh tham khảo, hướng dẫn cho học sinh tự tập luyện ở nhà hoặc biết chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho con trong tập luyện TDTT. Ví như, khi chơi bóng rổ, bóng bàn, bóng đá… cha mẹ phải đảm bảo điều kiện an toàn cho con như thế nào từ áo quần, giày, vật dụng hỗ trợ.
Cùng với đó, để xóa bỏ định kiến môn Giáo dục thể chất được coi là môn phụ thì việc cần phải có đội ngũ giáo viên đủ trình độ, năng lực chuyên môn và được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên cùng hệ thống cơ sở vật chất là việc làm cấp thiết. Theo thống kế, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đặc biệt ở bậc tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách. Đối với hệ thống cơ sở vật chất, hiện nay, ở cấp Tiểu học có 17% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học cơ sở có 12% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao; cấp Trung học phổ thông có 30% số trường có nhà tập thể dục thể thao, 15% số trường có sân tập thể dục thể thao.
Con số thống kế này đã phần nào cho thấy thực trạng về việc thiếu đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất cũng như hệ thống cơ sở vật chất ở trong các trường học. Để giải quyết vấn đề này, trong Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ cũng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ giáo dục thể chất và thể thao trường học cũng như tăng cường việc xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao nhằm bảo đảm đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn quy định. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất (bao gồm cả trang thiết bị, dụng cụ) phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học, gắn với triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia; Từng bước đầu tư xây dựng phòng học giáo dục thể chất, hệ thống sân chơi, trang thiết bị, đồ chơi phát triển vận động cho trẻ em trong các trường mầm non; Đầu tư xây dựng hệ thống sân tập, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và từng bước đầu tư xây dựng nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện; Tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất và việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (công trình thể thao) phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học tại các địa phương; Hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học; Khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống sân tập, nhà tập đa năng, bể bơi, mua sắm trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Từng bước đầu tư xây mới, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao.
Đối với việc xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao bảo đảm đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn quy định, sẽ tập trung vào việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tổ chức thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp dạy và học cho đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao trong nhà trường. Tăng cường năng lực, trách nhiệm đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao.
Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng tới tính hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học.
Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra chắc chắc môn giáo dục thể chất sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các trường bởi đây là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em đảm bảo sức khỏe cho hoạt động học tập và hình thành công dân tương lai phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mĩ.
Nguồn: Danh mục: Giáo dục đào tạo